image banner
NHẬN BIẾT SỚM VÀ SƠ CỨU ĐÚNG CÁCH BỆNH ĐỘT QUỴ
Đột quỵ là một trong những bệnh nguy hiểm, và thuộc nhóm các bệnh lý gây tử vong cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Phóng viên có buổi trao đổi với Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Long An – Bác sĩ (Bs.) Chuyên khoa II Nguyễn Trung Hiếu để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn căn bệnh này, từ đó nâng cao ý thức phòng tránh hiệu quả.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết bệnh đột quỵ là gì?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Đột quỵ là một bệnh lý xảy ra ở hệ thống mạch máu não. Nó làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch não, đưa đến giảm lượng oxy cung cấp, giảm chất dinh dưỡng nuôi não và các tế bào não sẽ hoại tử và chết đi.

Hiện tại người ta chia đột quỵ ra làm 2 nhóm. Một là đột quỵ do nhồi máu não cấp hay còn gọi là nhồi máu não, chiếm từ 70-80% trường hợp. Hai là đột quỵ do xuất huyết não.

 PV: Những ai có nguy cơ bị đột quỵ thưa bác sĩ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Theo Y văn, người ta ghi nhận người cao tuổi, về giới thì nam thường bị đột quỵ nhiều hơn nữ.

Ngoài ra, 90% bệnh nhân đột quỵ có cao huyết áp. Những người có bệnh lý về tim mạch bao gồm bệnh lý van tim, bệnh lý động mạch vành, bệnh lý rối loạn nhịp tim đặc biệt là rung nhĩ. Những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc đột quỵ gấp 4 lần so với người không mắc bệnh này.

Và những người béo phì, người ít vận động, người có rối loạn mỡ máu, người bị stress, căng thẳng dễ bị đột quỵ hơn. Bên cạnh đó, người ta nhận thấy những người có người thân trong gia đình bị đột quỵ thì nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Đặc biệt, những người đã bị đột quỵ rồi thì trong vòng 5 năm sau đó có 40% trường hợp bị đột quỵ tái phát lại.

PV: Những biểu hiện nào giúp nhận biết bệnh nhân đột quỵ thưa bác sĩ?   

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Triệu chứng bệnh đột quỵ xuất hiện đầu tiên là ở trên gương mặt. Chúng ta chú ý đến cái rãnh dưới mũi, chổ nhân trung thì sẽ thấy nó bị lệch sang 1 bên, mặt bị méo qua 1 bên. Cái má phía bên liệt sẽ mờ hơn, nhợt nhạt hơn so với phía bên kia.

Ngoài ra bệnh nhân sẽ có triệu chứng về giọng nói. Bệnh nhân nói khó nghe, giọng nói không rõ ràng.

Bệnh nhân sẽ có triệu chứng bị yếu tay và chân cùng 1 bên. Khi yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên hoặc co tay, co chân thì sức cơ bên đó yếu hơn so với bên đối diện.

Bệnh nhân có 1 trong 3 yếu tố chính vừa kể thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên cấp cứu về đột quỵ.

PV: Làm thế nào để phân biệt bệnh nhân bị say nắng hay bị đột quỵ thưa bác sĩ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Triệu chứng đột quỵ là triệu chứng về thần kinh. Còn đối với sốc nhiệt là do nóng, do lạnh. Người ta cũng ghi nhận nếu thời tiết thay đổi đột ngột như quá nóng hoặc quá lạnh cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Hai tình trạng này vẫn có các dấu hiệu điển hình. Chẳng hạn như người sốc nhiệt môi sẽ khô, mắt trũng, véo da để lại dấu, trước đó có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, kiệt sức, buồn nôn, nôn mửa, chuột rút… Ngược lại, đột quỵ có biểu hiện là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Say nắng chỉ khiến cơ thể mệt mỏi nhất thời nhưng đột quỵ có thể để lại di chứng suốt đời, thậm chí có thể gây ra tử vong. Do vậy, việc nhận định rõ 2 tình trạng này sẽ giúp chúng ta xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng nề cho người bệnh.

PV: Chúng ta hay nghe nói đến “thời gian vàng”, vậy với đột quỵ thì đó là khoảng thời gian nào thưa bác sĩ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: “Thời gian vàng” trong đột quỵ là một cái yếu tố rất quan trọng. Trong vòng 3 giờ đầu khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ người bệnh được cấp cứu kịp thời thì khả năng hồi phục rất cao và khả năng tử vong giảm rất rõ rệt.

Thời gian là vàng để cứu tế bào não. Cứ mỗi 1 phút, nếu bệnh nhân không được cấp cứu, thì có khoảng 2 triệu tế bào não sẽ bị chết đi. Do đó, nếu được cấp cứu sớm thì tế bào não sẽ được cứu sớm, bệnh nhân sẽ hồi phục và tránh được tử vong.

PV: Bác sĩ hãy hướng dẫn bạn đọc cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Việc đầu tiên là chúng ta phải nhận biết được dấu hiệu của đột quỵ. Nghĩa là nhận thấy dấu hiệu của đột quỵ biểu hiện ở mặt bệnh nhân, bệnh nhân có rối loạn về giọng nói, có triệu chứng về thần kinh ở tay chân. Khi có các dấu hiệu đó thì liên hệ trực tiếp, gọi điện thoại cho trung tâm cấp cứu về đột quỵ của bệnh viện để các thầy thuốc có động thái chuẩn bị từ đầu để khi tiếp nhận bệnh nhân được xử lý tốt nhất có thể.

Khi phát hiện một người bị đột quỵ thì đầu tiên là cho bệnh nhân nằm nghỉ. Chú ý khai thông đường thở cho bệnh nhân. Bệnh nhân đột quỵ có thể chảy nước bọt, đàm, nhớt, răng giả hoặc những bất thường trong miệng. Lúc đó ta cho bệnh nhân nằm nghiêng qua 1 bên, lấy hết đàm, nhớt, răng giả ra để cho thông thoáng đường thở.

Trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ bị té ngã có thể gây xuất huyết. Trường hợp gây chảy máu thì nên sơ cấp cứu tại chổ bằng băng ép vết thương rồi cho bệnh nhân nằm ở chổ yên tĩnh, chắc chắn, bằng phẳng, cứng vì nếu trong quá trình di chuyển bị  rung lắc thì có thể bị xuất huyết nhiều hơn, tăng nguy cơ tổn thương trên não. Tốt nhất là nên vận chuyển bằng phương tiện cấp cứu của cơ sở y tế hơn là vận chuyển bằng các phương tiện tự túc.

PV: Có những điều gì nên tránh khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ thưa bác sĩ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Người ta ghi nhận khoảng 50% trường hợp nhầm lẫn giữa đột quỵ với trúng gió, dẫn đến xử lý không đúng và không phù hợp.

Với bệnh nhân đột quỵ thì không được cho khăn vào miệng, cho uống nước này nước kia hay ngậm sả. Những thức ăn hay đồ uống đó có thể làm bệnh nhân sặc, nguy hiểm đến đường thở. Cũng không được cạo gió, chích lễ cho bệnh nhân vì như vậy sẽ làm mất máu. Tất cả những việc trên còn vô tình làm mất thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân. 

 PV: Khi bị đột quỵ thì bệnh nhân có hồi phục như trước không thưa bác sĩ?  

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Các thống kê cho thấy chỉ khoảng 15-30% trường hợp có hồi phục. Tỷ lệ hồi phục và để lại di chứng sẽ phụ thuộc vào từng cá thể, từng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được tái thông động mạch não sớm thì trong vòng 3 tháng đầu tỷ lệ phục hồi sẽ gấp 4-5 lần so với người không được tái thông.

Khi bệnh nhân đột quỵ nhập viện, bác sĩ sẽ có những lượng giá, những kế hoạch để có thể phục hồi, chăm sóc bệnh nhân vì sau đột quỵ thì di chứng để lại khá nặng nề. Thứ nhất là bệnh nhân không nuốt được, nuốt sặc, nuốt nghẹn. Thứ hai là bệnh nhân có những vấn đề về trầm cảm, rối loạn về hành vi. Bệnh nhân có những biểu hiện về yếu liệt cơ tay chân, nhất là tay. Rồi những biến chứng để lại như huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, loét và nhiều thứ khác.

Với những vấn đề đó, tùy bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những chăm sóc riêng biệt, những bài tập vật lý trị liệu riêng sẽ giúp phục hồi tốt hơn.

PV: Thưa bác sĩ, vậy thì làm thế nào để giảm nguy cơ bị đột quỵ?

Bs. Nguyễn Trung Hiếu: Đột quỵ thường xảy ra ở những nhóm người có nguy cơ đã nói ở trên. Có những nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới tính. Tuy nhiên cũng có những nguy cơ có thể thay đổi được như thay đổi lối sống, vận động, ăn uống, làm việc. Đặc biệt cần kiểm soát huyết áp, đường huyết chặt chẽ, tuân thủ điều trị những bệnh lý về tim mạch nhằm ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.

Anh-tin-bai

Người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, đường huyết để đề phòng đột quỵ.

NGƯƠN KIẾT thực hiện

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0