image banner
7 phản ứng bất lợi có thể xảy ra sau tiêm insulin

Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, insulin có thể gây tác dụng phụ. Dưới đây là những phản ứng bất lợi có thể xảy ra sau tiêm insulin người bệnh đái tháo đường cần nhận biết để phòng tránh.

Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường thường có tâm lý sợ dùng insulin và cho rằng khi bắt đầu dùng insulin có nghĩa là tình trạng của họ đã rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, sử dụng insulin đúng cách không chỉ giúp bảo vệ các tế bào tụy mà còn ngăn ngừa bệnh và các biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường.

Trên thực tế, dù sử dụng loại thuốc nào cũng có thể có tác dụng phụ, nhưng chỉ cần người bệnh hiểu rõ và biết cách xử lý, có thể giảm bớt tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Anh-tin-bai

Insulin bảo vệ các tế bào tụy và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường.

1. Phản ứng hạ đường huyết sau tiêm insulin

Hạ đường huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất của liệu pháp insulin. Nếu tiêm một lượng lớn insulin cùng một lúc, các triệu chứng hạ đường huyết rất có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người bị rối loạn chức năng gan và thận. Ngoài ra, ăn không đúng giờ hoặc ăn quá ít sau khi tiêm, tăng cường vận động nhưng không tăng lượng thức ăn ăn vào kịp thời… cũng là những nguyên nhân gây hạ đường huyết.

Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ liều lượng chính xác khi tiêm insulin, không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc và phải luôn theo dõi lượng đường trong máu. Đồng thời, cũng phải học cách nhận biết và đối phó với tình trạng hạ đường huyết. Ngoài ra, insulin tác dụng kéo dài hoặc thế hệ mới nhìn chung hiếm khi gây hạ đường huyết.

2. Đau khi tiêm insulin

Nhiều bệnh nhân sợ tiêm, thậm chí cảm thấy đau khi nhìn thấy kim tiêm. Trên thực tế, bút để tiêm insulin hiện nay là bút tiêm đặc biệt và kim tiêm cũng thường rất ngắn và mỏng. Hầu như không có cảm giác đau đớn khi tiêm. Ngoài ra, insulin tác dụng kéo dài thường chỉ cần tiêm 1 lần/ngày nên những bệnh nhân sợ tiêm vẫn có thể chấp nhận được.

Cũng cần lưu ý, nếu insulin được tiêm vào cùng một vị trí mỗi ngày, da và mô dưới da có thể dày lên và hình thành sẹo. Lựa chọn chế phẩm insulin có công nghệ tinh chế tốt, luân phiên vị trí tiêm, không tái sử dụng kim tiêm có thể hạn chế được tình trạng này.

3. Tăng cân sau tiêm insulin

Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường sẽ tăng cân ở mức độ khác nhau sau tiêm insulin, điều này khó tránh. Đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường thường bị béo bụng sau khi tiêm insulin.

Sau khi người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu, có thể giảm dần lượng insulin (theo chỉ định của bác sĩ), đồng thời phối hợp với chế độ ăn uống khoa học và tập luyện hợp lý để giảm tình trạng béo phì.

Anh-tin-bai

Giống như bất kỳ loại thuốc nào insulin cũng có thể có tác dụng phụ.

4. Phù nề sau tiêm

Khi sử dụng insulin lần đầu tiên, tình trạng phù nề sẽ xuất hiện trên mặt hoặc tay chân. Nguyên nhân là do insulin thúc đẩy quá trình tái hấp thu natri ở ống thận. Thông thường, tình trạng này sẽ tự thuyên giảm trong vòng vài ngày (không quá 1 tháng) và hầu như không nghiêm trọng.

Chỉ cần tích cực thực hiện chế độ ăn ít muối, hầu hết các chứng phù nề sẽ tự giảm bớt. Tuy nhiên, nếu vẫn không cải thiện, nên nhờ bác sĩ kiểm tra và làm xét nghiệm máu, nước tiểu để xem có cần dùng thuốc để cải thiện tình trạng hay tìm hiểu xem có bệnh lý nào khác gây phù nề hay không.

5. Phản ứng dị ứng insulin

Cấu trúc hóa học của insulin nhân tạo mới hoàn toàn giống với insulin của chính cơ thể và hàm lượng tạp chất thấp nên dị ứng insulin tương đối hiếm gặp trong thực hành lâm sàng.

Tuy nhiên, vẫn có một số người gặp phải phản ứng dị ứng cục bộ hoặc toàn thân trên da sau khi tiêm insulin. Dị ứng tại chỗ là phát ban dạng sẩn và ngứa tại chỗ tiêm và các khu vực xung quanh. Dị ứng toàn thân có thể gây nổi mề đay, trong một số ít trường hợp có thể xảy ra sốc phản vệ. Cần chuyển sang dạng bào chế khác hoặc chuyển sang insulin do công ty khác sản xuất, thường xuyên thay đổi vị trí tiêm và sử dụng thuốc chống dị ứng cho phù hợp.

6. Nhiễm trùng da

Insulin cần tiêm lâu dài. Nếu vị trí tiêm không được khử trùng đúng cách, tái sử dụng kim tiêm dùng một lần hoặc sử dụng insulin hết hạn và hư hỏng thì có thể xảy ra nhiễm trùng da.

Da cục bộ có thể đỏ, sưng, nóng, đau hoặc thậm chí bị áp xe và nhiễm trùng. Những người mắc bệnh đái tháo đường có khả năng miễn dịch thấp hơn so với dân số nói chung, khiến nhiễm trùng dễ lây lan hơn.

Vì vậy, cần thực hiện quy trình khử trùng khi tiêm insulin. Trước khi tiêm, hãy rửa tay thật sạch và khử trùng kỹ lưỡng vùng da tại chỗ tiêm. Quá trình tiêm yêu cầu thao tác vô trùng. Vứt bỏ kim đã sử dụng và không tái sử dụng chúng.

7. Giảm thị lực

Lượng đường trong máu sẽ giảm nhanh sau khi điều trị bằng insulin, dễ gây ra những thay đổi về áp suất thẩm thấu của thủy tinh thể, có thể dẫn đến mờ mắt và giảm khúc xạ. Hiện tượng này thường chỉ tạm thời và thường sẽ tự khỏi sau vài tuần. Hầu hết xảy ra ở những bệnh nhân mới sử dụng insulin.

Theo suckhoedoisong.vn

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1